Quyền của người dân tộc thiểu số và các dân tộc bản địa

24/11/2009

Dân tộc bản địa (indigenous peoples) và người thiểu số (minorities) là những khái niệm khác nhau được sử dụng chính thức trong các văn bản của Liên Hợp Quốc.


Dân tộc bản địa (indigenous peoples) và người thiểu số (minorities) là những khái niệm khác nhau được sử dụng chính thức trong các văn bản của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, hai khái niệm này lại thường được sử dụng lẫn nhau ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới do tính chất  nhạy cảm từ các góc độ chính trị, lịch sử, kinh tế, tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc và xã hội. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã chính thức công bố rằng họ không có người bản địa hay những vấn đề liên quan đến người bản địa mà chỉ có người thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… 

Theo số liệu ước tính của Liên Hợp Quốc, số người bản địa trên thế giới ước tính có khoảng 5.000 nhóm với 370 triệu người (riêng hơn 150 triệu ở châu Á, 30 triệu ở châu Phi, 2,5 triệu ở Bắc Mỹ) ở hơn 70 nước Trong suốt lịch sử thế giới từ trước đến nay, người bản địa sống ở những vùng đất trước khi những người định cư ở nơi khác đến đã phải chịu nhiều đau khổ và bất hạnh bởi  những kẻ thực dân và những người đi tìm đất đai, của cải. Họ thường bị xua đuổi, truy bức và môi trường sinh sống bị tàn phá.
 
Nhiều quốc gia trên thế giới có người thiểu số về chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo. Mặc dù hiện không có số liệu chính thức song ước tính có khoảng từ 10% đến 20% dân số toàn cầu với 600 triệu đến 1.200 triệu người là người thiểu số.
 
Người bản địa và người thiểu số là những nhóm người thiệt thòi, dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm dân cư và quyền của họ thường dễ bị vi phạm nhất vì nhiều lí do bất kể những đóng góp to lớn của họ cho sự phát triển chung của xã hội ngày hôm nay. Họ thường bị gạt ra ngoài lề của công cuộc phát triển ở cả các nước đang phát triển và những nước phát triển cũng như thường bị tước đi các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hoá. Họ bị phân biệt, miệt thị, bất công, bóc lột, mù chữ và sống trong nghèo khổ.
 
Tuy nhiên, nhận thức và hành động về các vấn đề của người bản địa và người thiểu số cùng quyền của họ đã có những thay đổi và bước tiến lớn trong vài thập kỷ qua trên thế giới. Bảo vệ các quyền
của người bản địa và người thiểu số đã được Liên Hợp Quốc xác định là một ưu tiên cao trong các chương trình hành động của mình ngay từ khi thành lập tới nay.
 
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố năm 1993 là Năm quốc tế về các dân tộc bản địa (the International Year of the World's Indigenous People) và thập kỷ 1995-2004 là Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa (the International Decade for the World's Indigenous People) nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề của cộng đồng người bản địa mà cơ bản nhất là quyền con người, phát triển, y tế, giáo dục, môi trường... Nhóm công tác về các dân tộc bản địa (the Working Group on Indigenous Populations) từ năm 1982 và sau đó là Diễn đàn thường trực về các vấn đề bản địa (the Permanent Forum on Indigenous Issues) đã tích cực nghiên cứu thúc đẩy việc thực hiện các quyền của những người bản địa qua việc soạn thảo Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa (the Declaration on the Rights of the Indigenous Peoples) được thông qua trong năm 2007.
 
Trong năm 1992, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ (the Declaration on the Rights of Persons Belonging to National or Ethnic, Religious and Linguistic Minorities) và Diễn đàn về các vấn đề thiểu số (the Forum on Minority Issues) được thành lập trong năm 2007 thay thế cho Nhóm công tác Liên Hợp Quốc về người thiểu số (the United Nations Working Group on Minorities) được thành lập năm 1995.
 
Với phạm vi khuôn khổ hạn hẹp, cuốn sách nhỏ này cung cấp cho bạn đọc bản dịch tiếng Việt hai văn kiện cơ bản của Liên Hợp Quốc kể trên về quyền của người bản địa và người thiểu số hiện đang được nhiều quốc gia tham khảo sử dụng để đưa vào luật pháp và chính sách quốc gia.

(Tải tệp đính kèm xem chi tiết)

(Vụ Các vấn đề xã hội)