Lồng ghép Giới vào hoạch định, thực thi chính sách

01/09/2009

Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc -những người quan tâm tới lĩnh vực bình đẳng nam nữ- một số thông tin cơ bản nhất về phương pháp lồng ghép giới nêu trên. Hy vọng, tài liệu này sẽ phục vụ thiết thực công việc chuyên môn của bạn đọc và hoạt động của các ngành, các cấp.
Thế nào là Lồng ghép giới?
Lồng ghép giới là phương pháp tiếp cận và là một biện pháp mang tính chiến lược nhằm đạt được bình đẳng giới trên diện rộng trong xã hội bằng cách đưa yếu tố giới vào mọi thiết chế cũng như các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
 
Vì sao phải Lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách?
 
Phụ nữ và nam giới trải nghiệm cuộc sống khác nhau, có các nhu cầu, nguyện vọng và những ưu tiên rất khác nhau. Họ cũng chịu tác động khác nhau từ cùng một chính sách phát triển kinh tế- xã hội. vì vậy, việc đưa vấn đề giới vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách sẽ đảm bảo cho chính sách Nhà nước đáp ứng các nhu cầu khác nhaucủa phụ nữ và nam giới, đồng thời phân phối lợi ích xã hội một cách bình đẳng. Nói cách khác, lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách chính là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước
 
Ai là người chịu trách nhiệm lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi chính sách?
 
Lồng ghép giới là trách nhiệm chung của tất cả các cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội, các nhà lãnh đạo và cán bộ của các ngành, các cấp.
 
Khi nào có thể lồng ghép giới?
 
Ngay khi nhận thức được vấn đề giới và được trang bị những kỹ năng cần thiết, mỗi cá nhân, tổ chức cần tiến hành việc lồng ghép giới vào công việc hàng ngày theo lĩnh vực được phân công sao cho mỗi quyết sách được đưa ra đều quán triệt quan điểm bình đẳng giới.
 
Thế nào là chu trình chính sách có trách nhiệm giới?
 
Là chu trình chính sách trong đó vấn đề giới được đề cập ngay từ đầu và xuyên suốt qua mọi khâu.
 
1. Xác định vấn đề
2. Thu thập thông tin
3. Xây dựng chính sách
4. Thẩm định chính sách
5. Phê duyệt và ban hành
6. Phân bố nguồn lực
7. Thực hiện chính sách
8. Giám sát
9. Đánh giá
10. Rút kinh nghiệm và điều chỉnh
 
Tính ưu việt của phương pháp lồng ghép giới
 
Khác với các cách tiếp cận trước đây, phương pháp lồng ghép giới không chỉ chú trọng tới phụ nữ mà còn đề cập đến các biện pháp khắc phục nguyên nhân sâu xa của sự bất bìnhđẳng giữa phụ nữ và nam giới, tìm cách đáp ứng tối đa những nhu cầu, nguyện vọng khác nhau của họ thông qua các chính sách cụ thể. Cùng với việc thu hút phụ nữ vào mọi mặt đời sống, phương pháp này góp phần triệt để xoá bó bất bình đẳng giới trong xã hội.
 
Làm thế nào để lồng ghép thành công vấn đề giới trong hoạch định và thực thi chính sách?
 
Bài học kinh nghiệm quốc tế và trong nước chỉ ra rằng cần có một số điều kiện cơ bản đảm bảo thành công cho lồng ghép giới. Cụ thể là:
 
- Chỉ có thể đạt được bình đẳng giới nếu toàn xã hội nhận thức và hành động trên tinh thần trách nhiệm chung vì mục tiêu bình đẳng giới.
 
- Khi các nhà lãnh đạo và cán bộ, đặt biệt ở các cơ quan chủ chốt có được hiểu biết cơ bản về các khái niệm giới và phương pháp lồng ghép giới.
 
- Sự cam kết và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo là yếu tố then chốt trong công tác lồng ghép giới.
 
- Cần một khung chính sách với những cam kết rõ ràng, quy định trách nhiệm và nguồn lực cụ thể về lồng ghép giới.
 
- Công tác kiện toàn bộ máy và cơ chế tổ chức cần được chú trọng để tạo thuận lợi cho việc lồng ghép giới.
 
- Việc tổ chức, cá nhân nắm vững vai trò và trách nhiệm rõ ràng của mình có tác động trực tiếp tới hiệu quả tiến hành lồng ghép giới.
 
- Vị trí và nguồn lực thích hợp của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ.
 
- Thể chế hoá công tác lồng ghép giới bằng cách xây dựng và đưa vào áp dụng các quy định cần thiết để vấn đề giới được đề cập và giải quyết một cách có hệ thống, nhất quán và triệt để.

- Tạo ra môi trường thuận lợi, không khí thi đua và hình thức khuyến khích các cá nhân, tập thể làm việc trên tinh thần trách nhiệm giới.
 
Một số kinh nghiệm về lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách ở việt Nam thời gian qua.
 
- Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999: Tiến bộ hơn so với các cuộc điều tra trước đây, Tổng điều tra năm 1999 đã thu thập và đi sâu phân tích các chỉ tiêu số liệu, qua đó phần nào tạo nên bức tranh về vấn đề giới ở Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, lao động việc làm, hôn nhân gia đình, di cư và đô thị hoá. Đó là những thông tin quan trọng giúp các nhà hoạch định và thực thi chính sách có những giải pháp cụ thể để xoá bỏ khoảng cách giới trên thực tiễn.
 
- Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo: được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào tháng 5/2002. Chiến lược đã thể hiện sự hài hoà giữa tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội, khuyến khích phát triển con người và giảm bất bình đẳng giới. Tăng quyền cho phụ nữ và bảo đảm quyền cho trẻ em là một chỉ tiêu của Chiến lược. thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ được đưa vào nhóm chính sách, giải pháp chủ yếu nhằm bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và xoá đói giảm nghèo.
 
- Chiến lược về giới trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: đã được thông qua vào tháng 10/2003 nhằm thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ nông thôn, trên cơ sở đó đạt được thành tựu cao hơn về nông nghiệp và phát triển nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Với 5 mục tiêu, 12 chỉ tiêu và 21 chỉ tiêu giám sát cụ thể, Chiến lược là một ví dụ điển hình về áp dụng phương pháp lồng ghép giới vào quá trình hoạch định các chính sách phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam 2001-2010 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX thông qua đã nêu rõ: “Thiết thực chăm lo sự bình đẳng về giới, sự tiến bộ của phụ nữ”.
 
Lồng ghép có hiệu quả nội dung bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm và năm năm của cả nước và từng Bộ, Ngành, địa phương là một trong những giải pháp cơ bản được đề ra trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010.
Cộng đồng quốc tế đã thừa nhận rằng lồng ghép giới là phương pháp chiến lược hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Phương pháp này được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm của gần 20 năm nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng trên thế giới và được đưa ra lần đầu tiên tại Hội nghị thế giới lần thứ 4 về phụ nữ (Bắc Kinh, năm 1995).

(http://www.hoilhpn.org.vn)