Những năm gần đây, trong công tác dân số, gia đình và trẻ em thường dùng cụm từ "Bình đẳng giới". Nhưng bình đẳng giới là gì, nội dung cụ thể như thế nào thì vẫn còn khó hiểu đối với không ít người dân lao động.
Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới có vị trí như nhau và có cơ hội như nhau để làm việc và phát triển. Nói bình đẳng giới không có nghĩa là chỉ đấu tranh quyền lợi cho phụ nữ mà là đấu tranh cho sự bất bình đẳng của cả hai giới. Nhưng trong thời đại ngày nay, nhìn chung sự bất bình đẳng xảy ra đối với phụ nữ là đa số nên người ta nói nhiều đến việc đòi quyền lợi cho phụ nữ. Bình đẳng giới trong gia đình là các thành viên trong gia đình có sự bình đẳng với nhau. Cụ thể là mọi công việc trong gia đình đều được các thanh viên, trước hết là vợ và chồng cùng nhau chia xẻ và cùng nhau hưởng thụ thành quả từ những công việc đó mang lại. Vợ và chồng cần phải bình đẳng bàn bạc, quyết định và thực hiện mọi công việc. Đặc biệt việc nội trợ là hết sức vất vả, tiêu hao nhiều thời gian và sức lực, đo đó không chỉ người phụ nữ làm mà đòi hỏi phải có sự tham gia, chia sẻ của chồng và của các thành viên khác.
Trong lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản, vợ chồng phải cùng chia sẻ mọi vấn đề ; không nên hướng đối tượng vận động kế hoạch hóa gia đình chỉ vào phụ nữ, hoặc chủ yếu vào phụ nữ mà làm sao nhãng trách nhiệm của nam giới. Vợ và chồng phải có bổn phận như nhau trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai, quyết đinh sinh con, số con và khoảng cách sinh, trong đó cần hết sức quan tâm chăm sóc phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ. Trong gia đình, tuyệt đối không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Con trai và con gái đều có quyền và trách nhiệm như nhau đối với gia đình và xã hội. Con gái cũng phải bình đẳng như con trai trong việc học tập, lao động và hưởng thụ. Ngay từ nhỏ, cha mẹ phải chú trọng giáo dục cho con cái mình hiểu rõ điều này.
Vấn đề cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ là hành vi bạo lực trong gia đình. Bạo lực trong gia đình bao gồm 3 mặt: Bạo lực về thân thể, bạo lực về tinh thần và bạo lực về tình dục. Bạo lực về thân thể như đánh, trói, đấm đá, hành hạ. Bạo lực về tình thần như chửi mắng, xỉ vả, cấm đoán quan hệ bình thường, không cho tham gia các hoạt động xã hội. Bạo lực về tình dục như cưỡng ép giao hợp, đòi hỏi quan hệ khi vợ không muốn, buộc vợ đẻ thêm con, ngăn cản vợ thực hiện các biện pháp tránh thai...
Tóm lại, bình đẳng giới là mọi thành viên trong gia đình, trước mắt là vợ và chồng đều có vai trò, trách nhiệm và quyền lợi ngang bằng nhau trong lao động, học tập, nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hưởng thụ văn hóa và tham gia các hoạt động xã hội.