Nghị Quyết tăng cường khung pháp lý xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN (thông qua tại AIPA 36)

06/09/2015

ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN NGHỊ VIỆN
HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á LẦN THỨ 36

KUALA LUMPUR,             MALAYSIA

6 –12 THÁNG 9 2015

 

 
 

 

 

 

 NQ. 36GA/RES/WAIPA/03

 

NGHỊ QUYẾT TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
VỀ XÓA BỎ BẠO LỰC CHỐNG LẠI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM TRONG ASEAN

 

Đại hội đồng AIPA lần thứ 36:

Nhắc lại Nghị quyết số 28GA/2007/WAIPA/01 về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã được thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 28 tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 9 năm 2007;

Nhắc lại thêm Nghị quyết số 35GA/2014/WAIPA/02 về tăng cường các nỗ lực phòng chống mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN đã được thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 35 tại Vientiane, Lào vào tháng 9 năm 2014;

Thừa nhận rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là sự vi phạm quyền con người và điều này có thể xảy ra đối với bất cứ nhóm phụ nữ và trẻ em nào, bất kể tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, chủng tộc, văn hóa và tình trạng kinh tế - xã hội. Bạo lưc đối với phụ nữ và trẻ em không chỉ ảnh hưởng tới nạn nhân/người còn sống mà còn cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội;

Nhận thức rằng hầu hết các nạn nhân của bạo lực là phụ nữ và trẻ em, những người rất khó khăn để có thể nói ra hoặc bảo vệ quyền của họ, đặc biệt khi bạo lực xảy ra cả trong khu vực công và tư;

Nhận biết rằng từ khi thông qua các hiệp ước quốc tế về quyền con người, bao gồm Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền của trẻ em (CRC) cũng như thông qua các thỏa thuận khu vực và quốc tế liên quan đến các vấn đề về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bao gồm Tuyên bố của LHQ về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993 (DEVAW), Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong khu vực ASEAN năm 2004, Tuyên bố ASEAN về quyền con người năm 2012 và Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em trong ASEAN năm 2013 thì việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã đạt được những bước tiến đáng kể song vẫn còn nhiều thách thức đang tồn tại;

Đón nhận sự đóng góp đáng kể của Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) trong việc giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này và nhấn mạnh nhu cầu xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em;

Thừa nhận rằng những phản hồi đối với vấn đề này đòi hỏi phải có ý chí chính trị, có đủ các nguồn lực chuyên môn cũng như sự hợp tác và hỗ trợ từ tất cả các lĩnh vực ở các cấp cộng đồng, quốc gia, khu vực và quốc tế;

Thừa nhận thêm rằng sự tiếp cận đa ngành và dựa trên quyền con người là cần thiết để chuyển đổi cấu trúc, thể chế và các chuẩn mực đã cổ xúy cho bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em;

Nhận thức rằng các nghị sĩ cần phải đóng vai trò chính trong việc tăng cường và giám sát khung pháp luật về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc tăng cường nhận thức của họ về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em;  

 

Nay quyết nghị:

Kêu gọi các nghị sĩ AIPA đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường khuôn khổ pháp lý về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc tăng cường nhận thức về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền của lao động di cư (ACMW).

Nhấn mạnh rằng nam giới và trẻ em trai của ASEAN, đặc biệt là các nam nghị sĩ đóng góp tích cực vào việc phòng chống và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em;

Thúc giục các nghị sĩ AIPA xem xét, sửa đổi và xóa bỏ các đạo luật quốc gia, các quy định, chính sách, phong tục, tập quán duy trì bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giám sát việc thực hiện pháp luật về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng như xem xét các luật mới nhằm phản hồi các dạng bạo lực mới nảy sinh đối với phụ nữ và trẻ em trong ASEAN;

Khuyến khích các nghị sĩ AIPA tham gia Đại hội đồng AIPA như một diễn đàn để chia sẻ và cập nhật những thực tiễn tốt, các bài học, những tiến bộ và thách thức trong việc tăng cường hệ thống pháp luật liên quan đến xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; 

Kêu gọi các nước thành viên ASEAN và nghị viện các nước thành viên AIPA tiếp tục tăng cường các cơ chế quốc gia hiện hành, các biện pháp xã hội, hành chính và pháp luật sử dụng cách tiếp cận đa ngành nhằm xây dựng hệ thống pháp luật để phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; bảo vệ các quyền của các nạn nhân/người còn sống của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, cứu chữa các nạn nhân và người còn sống và cung cấp cho họ các dịch vụ hỗ trợ bao gồm các trợ giúp pháp lý, tâm lý-xã hội; cũng như khởi tố và trừng phạt tất cả các hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em;

Thúc giục các nước thành viên ASEAN và nghị viện các nước thành viên AIPA thúc đẩy chương trình tăng cường năng lực về nhạy cảm giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho bộ máy tư pháp, các cán bộ thực thi pháp luật bao gồm cả cảnh sát và công tố viên;

Ủng hộ các nỗ lực tiếp theo của ACWC trong việc soạn thảo Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (RPA về EVAW) và Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (RPA về EVAC) để phù hợp với Khuyến nghị chung số 19 của Ủy ban CEDAW về bạo lực đối với phụ nữ;

Khuyến khích các nước thành viên ASEAN và nghị viện các nước thành viên AIPA nâng cao tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống pháp luật về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn sau năm 2015 và lồng ghép nguyên tắc này vào Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2015;

Yêu cầu Ban thư ký AIPA giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và thường xuyên trình Đại hội đồng AIPA báo cáo tiến trình thực hiện.

 

Thông qua ngày 11 tháng 9 năm 2015, tại ĐHĐ AIPA lần thứ 36 tại Kuala Lumpur, Malaysia.