Báo cáo Tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

22/03/2016

Báo cáo Tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

QUỐC HỘI KHÓA XIII

NHÓM NỮ ĐBQH VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2016

 

 

BÁO CÁO

 Tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam

trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

 

Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập theo Nghị quyết số 265/2011/NQ-UBTVQH13.

Lễ ra mắt đã được tổ chức trọng thể vào Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10/2011) với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và toàn thể nữ đại biểu Quốc hội.

Ban thường trực Nhóm xin báo cáo các hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu tham dự cuộc họp Ban thường trực Nhóm mở rộng, ngày 29/02/2016 và Hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, ngày 01/3/2016.

1. Công tác tổ chức, tuyên truyền, truyền thông

- Ngay sau lễ ra mắt, Chủ tịch Nhóm đã có quyết định cử các Ủy viên Ban thường trực Nhóm. kiện toàn Ban thường trực. Các thành viên của Nhóm được chia thành 3 khu vực Bắc, Trung, Nam và mỗi khu vực do một Phó Chủ tịch Nhóm phụ trách. Các thành viên Ban thường trực là đầu mối để triển khai hoạt động của Nhóm giữa hai kỳ họp. Mỗi nhóm khu vực đăng cai tổ chức các hội thảo của Nhóm và có trách nhiệm tổ chức hoạt động xã hội tại khu vực.

- Ban thường trực Nhóm đã chủ trì, tham gia phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức thành công các cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với các nữ đại biểu Quốc hội. Thông qua các cuộc gặp mặt này, các đại biểu đã có những đề xuất kiến nghị về vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, công tác quy hoạch cán bộ nữ, lãnh đạo nữ và tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị, đời sống của phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật…

- Duy trì các cuộc họp Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam gắn với các kỳ họp Quốc hội; huy động tối đa sự tham gia của các thành viên Nhóm đối với hoạt động chung của Nhóm và tăng cường hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam theo khu vực giữa hai kỳ họp Quốc hội.

- Các hoạt động đối nội, đối ngoại, tọa đàm, hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế cùng các hoạt động khác của Nhóm được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Nhóm. Đồng thời, Nhóm tăng cường phối hợp với kênh truyền hình Quốc hội và một số báo, đài khác trong việc đưa tin các hoạt động của Nhóm.

Bên cạnh đó, Ban thường trực Nhóm cũng đã có một số hoạt động phối hợp tổ chức cùng các tổ chức quốc tế như Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc (UN WOMEN), Nhóm đại sứ và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về bình đẳng giới…  qua đó giới thiệu, tuyên truyền về hoạt động của Nhóm và thu thập thông tin phục vụ Nhóm.

2. Hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép giới

Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội và các cơ quan khác tổ chức 23 hội thảo, hội nghị, nhằm cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức cho các đại biểu về những vấn đề có liên quan đến nội dung hoạt động Quốc hội theo từng kỳ họp, theo chương trình nhiệm kỳ XIII, đặc biệt là việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, hôn nhân gia đình, hôn nhân phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài và phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, CEDAW và việc thực hiện CEDAW, ngân sách giới, sự tương thích các dự án luật với CEDAW, nữ đại biểu Quốc hội với phòng, chống HIV/AIDS… Các Hội thảo này vừa cung cấp thông tin, vừa giúp đại biểu nâng cao kỹ năng trong phân tích, nhận biết về giới, đánh giá tác động giới. Nhóm cùng với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức hơn 40 cuộc tọa đàm chuyên gia và tham gia ý kiến về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 40 dự án luật.

Nhóm đã tham gia với Ủy ban về các vấn đề xã hội giám sát về việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và có các kiến nghị phù hợp.

Bên cạnh đó, giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật, đặc biệt là các luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới cũng luôn là hoạt động được các nữ đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt. Các thành viên của Nhóm cũng có những đóng góp với tinh thần trách nhiệm trong quá trình cùng Ủy ban về các vấn đề xã hội thẩm tra Báo cáo hằng năm của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Trong quá trình xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các thành viên của Nhóm quan tâm xem xét đến tác động giới của những quyết sách này, chú ý tới việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, nhất là trong phân bổ ngân sách.

Hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội cùng Ủy ban về các vấn đề xã hội đã đạt được kết quả sau:

- Vấn đề bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ của các nữ đại biểu mà tiếng nói ủng hộ của nam giới cũng ngày càng mạnh mẽ thông qua ý kiến trao đổi, phát biểu tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, các phiên họp của Hội đồng dân tộc, của các Ủy ban của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tại các kỳ họp Quốc hội.

- Số lượng các văn bản pháp luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngày càng tăng, từ những luật khung tới các luật chuyên ngành, từ lĩnh vực xã hội tới các lĩnh vực khác (giáo dục, khoa học, công nghệ, tư pháp…). Nhiều dự án trình Quốc hội khóa XIII thông qua đã được nghiên cứu, bổ sung quy định về bình đẳng giới như Luật ngân sách nhà nước, Luật đất đai, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân, Luật nhà ở…

- Chất lượng của việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản pháp luật cũng ngày càng cao hơn, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực… thể hiện qua việc không chỉ bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc chung mà nhiều luật đã quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

3. Hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Nhóm cùng với Ủy ban về các vấn đề xã hội đã phối hợp hoạt động có hiệu quả với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới, các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị như:

- Tổ chức 5 hội thảo khu vực về việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 (khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Miền Trung - Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và khu vực đồng bằng sông Hồng) và đã xây dựng Báo cáo kết quả 5 hội thảo[1], kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội về nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng và tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị nói chung cho nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trên cơ sở này, Quốc hội đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với quy định về bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8) và bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là phụ nữ (Điều 9).

- Tham gia phiên thảo luận không chính thức với nhóm Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện về bình đẳng giới về nội dung “tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử”.

- Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ủy ban về các vấn đề xã hội duy trì ít nhất 2 lần/năm các cuộc họp liên tịch với Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam để phối hợp tổ chức các hoạt động chung.

- Trong thời gian tới, Nhóm sẽ cùng với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức 6 Hội thảo khu vực để tập huấn cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 nhằm cung cấp một số kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng hình ảnh, xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông và quan hệ với báo chí, kỹ năng phát biểu trước công chúng… cho các nữ ứng cử viên khi tham gia tranh cử. 

4. Nâng cao kỹ năng hoạt động cho nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Được xem như một trong những nhiệm vụ chính cần ưu tiên, Nhóm đã tổ chức 06 Hội thảo tại các khu vực tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động đại biểu cho các nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân về kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, phân tích chính sách, tiếp xúc cử tri, phát biểu ý kiến, quan hệ báo chí, nâng cao kỹ năng giám sát, về rà soát CEDAW trong các dự án luật… Các hoạt động này đã giúp xây dựng được hình ảnh nữ đại biểu năng động, tích cực, đồng thời hỗ trợ cho các nữ đại biểu hoạt động có hiệu quả hơn vai trò đại diện của mình, cũng như tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

5. Công tác xã hội

- Thăm, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp Tết nguyên đán, ngày thương binh, liệt sỹ 27/7; thăm và tặng quà tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn… Trong các hoạt động này, Nhóm đã huy động nguồn lực của các cá nhân, đơn vị ủng hộ tài chính cho các hoạt động xã hội của Nhóm[2].

- Nhóm qua các nhóm khu vực đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các thành viên trong Nhóm khi ốm đau, gia đình có việc hiếu…

- Nhóm đã phối hợp Bộ Y tế, Bệnh viện phụ sản trung ương tổ chức định kỳ khám sức khỏe cho nữ đại biểu Quốc hội.

6. Hoạt động đối ngoại

- Tham gia có trách nhiệm các hoạt động đối ngoại thường niên, đã có 13 đoàn với 30 lượt nữ đại biểu tham dự: Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới (IPU); Đại hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); Mạng lưới nữ nghị sĩ liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF); tích cực tham gia ý kiến thảo luận các nghị quyết của các Hội nghị nữ nghị sĩ và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các nghị quyết, văn kiện của Đại hội đồng và các Ủy ban như: Tăng các cơ hội kinh tế cho phụ nữ với vai trò là người lao động trong gia đình; thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề về môi trường; phòng chống tất cả các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em trong ASEAN; tiếp cận với y tế như là một quyền cơ bản; vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ cuộc sống của người dân; Cơ chế tài chính cho sự phát triển bền vững; đạt được bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ; chiến tranh mạng - một vấn đề nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước - thúc đẩy hành động của nghị viện về nước…

- Cử và đề xuất cử 26 lượt thành viên tham dự 15 hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và khu vực về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, sức khỏe sinh sản, dân số, đói nghèo và biến đổi khí hậu…; trao đổi kinh nghiệm hoạt động của nữ nghị sĩ, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chính sách, pháp luật.

- Với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132 Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132, trong đó có sự tham gia tích cực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng, Hội nghị nữ nghị sĩ và các phiên họp Ủy ban, các hội nghị có liên quan.

- Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tổ chức cuộc gặp mặt nữ lãnh đạo và đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam từ năm 2012, đặc biệt cuộc gặp mặt năm 2015 nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ, tiến tới Đại hội đồng IPU-132 (Hà Nội ngày 14/3/2015) có sự tham dự của đại diện Quốc hội Lào, Nghị viện Campuchia; thiết lập Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới giữa Việt Nam với đại diện tổ chức Liên hợp quốc và Nhóm đại sứ tại Việt Nam, định kỳ tổ chức một cuộc họp mỗi năm do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì.

- Nhóm đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Nhóm nữ đại biểu Quốc hội với chiến lược quốc gia về bình đẳng giới” (Khánh Hòa, 7/2012).

- Đại diện Ban thường trực Nhóm và một số thành viên đã tiếp các đoàn nữ nghị sĩ Hàn Quốc, Đông Ti-mo, Thái Lan và CHDCND Lào thăm và trao đổi kinh nghiệm hoạt động, tiếp các tổ chức quốc tế làm việc tại Việt Nam.

- Nhóm đã thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác với Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc, các cơ quan Liên hợp quốc, các đại sứ một số nước trong hoạt động bình đẳng giới.

- Việc tham gia các hoạt động đối nội, đối ngoại đã tạo điều kiện cho các thành viên của Nhóm được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của nhóm nữ đại biểu Quốc hội các nước trong khu vực và thế giới trong các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới; là cơ hội để các đại biểu quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bè bạn quốc tế, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế.

7. Hoạt động của Ban thường trực Nhóm và các thành viên Nhóm

(1) Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII bao gồm 17 thành viên: 01 Chủ tịch, 06 Phó chủ tịch và 10 Ủy viên Ban thường trực. Cơ cấu thành viên của Ban thường trực Nhóm gồm 09 đại biểu chuyên trách ở Trung ương (trong đó có 02 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, 03 Phó Chủ nhiệm Ủy ban/Phó Chủ nhiệm VPQH, 04 Ủy viên thường trực), 02 đại biểu là trưởng đoàn ĐBQH, 05 đại biểu chuyên trách ở địa phương, 01 đại biểu là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ của thành phố.

Ban thường trực Nhóm đã có nhiều hoạt động cụ thể để triển khai các nhiệm vụ của Nhóm thông qua các cuộc họp Ban thường trực Nhóm tại các kỳ họp Quốc hội. Nhóm đã tổ chức 12 cuộc họp Ban thường trực, 01 cuộc họp mở rộng về tổng kết hoạt động và 01 hội thảo về hoạt động của Nhóm và Ban thường trực Nhóm.

Xác định đây là hình thức hoạt động chủ yếu của Ban thường trực Nhóm, tại các cuộc họp này, các thành viên của Ban thường trực đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tổng kết hoạt động của Nhóm giữa hai kỳ họp,, đồng thời, thảo luận về chương trình, việc triển khai nhiệm vụ của Nhóm đến kỳ họp tiếp theo; phân công cụ thể cho mỗi thành viên phụ trách các hoạt động của Nhóm. Các cuộc họp này có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện của Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, đại diện của Văn phòng Quốc hội để đóng góp vào các hoạt động chung của Nhóm.

Các thành viên của Ban thường trực Nhóm được chia thành 3 khu vực (khu vực miền Bắc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên và khu vực miền Nam) và có sự phối hợp, điều hòa trong quá trình hoạt động. Thành viên của Ban thường trực từng khu vực chủ trì đề xuất, phối hợp, triển khai các hoạt động của Nhóm tại các khu vực đó. Thông qua các hoạt động này, đã tăng cường trách nhiệm cho các thành viên của Ban thường trực Nhóm, đồng thời tạo điều kiện cho thành viên được tham gia các hoạt động của Nhóm một cách đồng đều, mang lại nhiều hiệu quả cho hoạt động của Nhóm.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ban thường trực Nhóm đã hoạt động tích cực, với tinh thần trách nhiệm và bằng nhiều hình thức đổi mới, đa dạng, tổ chức các hoạt động của Nhóm có hiệu quả. Ban thường trực Nhóm thường xuyên báo cáo và tranh thủ sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo trong hoạt động của Nhóm; hoạt động của Nhóm kết hợp chặt chẽ với hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội; xây dựng được cơ chế phối hợp hoạt động có hiệu quả giữa Nhóm với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là sự phối hợp trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; tăng cường và mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế, các đối tác giúp huy động các nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động Nhóm.

Tuy nhiên, Ban thường trực Nhóm mới chỉ tổ chức được các cuộc họp Ban thường trực, còn các cuộc họp mặt toàn thể các thành viên trong Nhóm được tổ chức thông qua các cuộc gặp mặt với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cuộc họp khác chủ yếu qua các hội thảo, hội nghị và các hoạt động theo khu vực; thiếu cơ chế trao đổi, cập nhật thông tin giữa các thành viên Ban thường trực Nhóm và các đại biểu; việc phối hợp của Ban thường trực Nhóm với các cơ quan trong Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội ở các mức độ khác nhau; còn thiếu cơ chế chia sẻ  thông tin trong các hoạt động có liên quan.

Một điều rất đáng tiếc đối với Ban thường trực Nhóm là, trong nhiệm kỳ đã có một thành viên trong Ban thường trực Nhóm bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội.

 (2) Nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ 24,4% tổng số đại biểu Quốc hội, 96,7% đại biểu có trình độ đại học trở lên. Nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ là 31,96% tổng số nữ (tỷ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số chung trong Quốc hội là 15,6%), nữ đại biểu trẻ dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ 35,2% tổng số nữ đại biểu (tỷ lệ chung của Quốc hội là 12,2%), như vậy nữ đại biểu là người giữ nhiều cơ cấu khi tranh cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trong Ủy ban thường vụ Quốc hội, có 04 nữ đại biểu Quốc hội, trong đó  có 02 nữ Phó Chủ tịch Quốc hội là Ủy viên Bộ Chính trị.

Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, có trên 30% thành viên là nữ, tiếp đó là Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường. Chỉ duy nhất Ủy ban về các vấn đề xã hội có Chủ nhiệm là nữ. Các Uỷ ban khác của Quốc hội (Uỷ ban tài chính - ngân sách, Ủy ban pháp luật, Uỷ ban quốc phòng và an ninh, Ủy ban kinh tế, Ủy ban tư pháp…) số thành viên là nữ chiếm tỷ lệ thấp, trong đó có 03 Ủy ban không có Thường trực là nữ.

Có 25/63 tỉnh, thành phố có nữ là Trưởng hoặc Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, trong đó 09 đại biểu nữ là Trưởng Đoàn ĐBQH, chiếm 14,5%, có 16 đại biểu nữ là Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, chiếm 25,4%.

Số đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và địa phương là 164 đại biểu (tăng 10 người so với thời điểm mới bầu cử là 154 đại biểu), trong đó có 35 nữ, chiếm 21,3%. Tỷ lệ nữ đại biểu chuyên trách ở trung ương so với tổng số đại biểu chuyên trách trung ương là 14%, thấp hơn tỷ lệ nữ đại diện trong Quốc hội nói chung, nhưng tỷ lệ nữ đại biểu chuyên trách ở địa phương so với tổng số đại biểu chuyên trách địa phương là 32,8%, cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội.

(3) Các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia tích cực các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Có thế nói, tỷ lệ tần suất tham gia ý kiến, đề xuất của nữ đại biểu Quốc hội cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội và nữ đại biểu Quốc hội đã xây dựng được hình ảnh tốt đối với cử tri.

Các nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến, đề xuất, đóng góp lớn vào các quyết sách của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực giới, bình đẳng giới, gia đình, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, đất đai... Đối với các lĩnh vực kinh tế, tài chính, tư pháp sự tham gia ít hơn, phản ánh tình hình chung của nữ nghị sĩ trên thế giới.

Ví dụ: trong việc tham gia ý kiến về các dự án luật, hơn 73,9 % ý kiến là của nữ đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự án Luật giáo dục nghề nghiệp, tại kỳ 6 và tại kỳ 7 là 60%; hơn 60% ý kiến thảo luận về dự án Luật bảo hiểm y tế tại kỳ họp thứ 6, 95,8% tại kỳ họp thứ 7; 67% ý kiến về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), 57,7% ý kiến về dự án Luật việc làm đến từ nữ đại biểu... Tính tỷ lệ nữ đại biểu tham gia ý kiến tại Hội trường về các dự án Luật do các Ủy ban chủ trì thẩm tra thì, các luật do Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nữ tham gia 50% tổng số ý kiến, Luật do Ủy ban về các vấn đề xã hội thẩm tra là 46,1%, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường là 31,7%...

Trong khi đó, Luật kinh doanh bất động sản chỉ có 16,67%, Luật doanh nghiệp 18,8%, dự án Luật kiểm toán nhà nước chỉ có 12,5% và 7,2%, các Luật do Ủy ban kinh tế thẩm tra chỉ có 20% và các luật do Ủy ban đối ngoại chủ trì thẩm tra, chỉ có 14,3% ý kiến là của nữ đại biểu Quốc hội.

Trong lĩnh vực giám sát, trên diễn đàn Quốc hội, các nữ đại biểu tích cực  tham gia ý kiến về giám sát tối cao, hoạt động chất vấn. Trong 9 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XIII (từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ mười), có 33,5% (119/355) ý kiến phát biểu về các chuyên đề giám sát tối cao và 29,9% (253/845) ý kiến chất vấn trực tiếp trên Hội trường là của nữ đại biểu Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội có sự trưởng thành về chuyên môn, nghề nghiệp được ghi nhận, đến nay 46,67% (56/120) nữ đại biểu Quốc hội có vị trí công tác cao hơn so với đầu nhiệm kỳ.

8. Đánh giá chung

Vai trò của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam ngày càng được khẳng định. Với các hoạt động đa dạng, phong phú, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực của các thành viên, sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan hữu quan, các hoạt động của Nhóm đáp ứng mục tiêu đặt ra khi thành lập, đó là, tạo diễn đàn để các nữ đại biểu Quốc hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động đại biểu cũng như học hỏi kinh nghiệm hoạt động của các nhóm nữ nghị sĩ quốc tế, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; tạo diễn đàn để các nữ đại biểu có tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến hoạt động của Quốc hội, đồng thời hỗ trợ cho các đại biểu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò đại diện của mình.

Thông qua các hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới các thành viên của Nhóm đã được cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức về những vấn đề có liên quan đến nội dung hoạt động Quốc hội theo từng kỳ họp, theo chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đặc biệt là về vấn đề giới, bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi pháp luật, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới... Qua đó, hiệu quả hoạt động đại biểu cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Qua từng kỳ họp, Quốc hội đã ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực hơn của nữ đại biểu với các phát biểu ngày càng chất lượng hơn. Điểm nổi bật trong hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật.

Tạo diễn đàn cho nữ đại biểu Quốc hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động. Đã xây dựng được cơ chế phối hợp hoạt động có hiệu quả giữa Nhóm với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là sự phối hợp trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Việc tăng cường và mở rộng quan hệ với các đối tác đã giúp huy động các nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động Nhóm.

 Là một tập thể đoàn kết, các thành viên Nhóm đã quan tâm, thăm hỏi, động viên lẫn nhau trong công việc và trong những lúc khó khăn; nhóm đã tổ chức khám sức khỏe phụ nữ cho các chị em có nhu cầu để yên tâm hơn trong công tác. Bên cạnh đó, Nhóm cũng tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

9. Bài học kinh nghiệm

(1) Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban thường trực, và các thành viên trong Nhóm trong việc tham gia các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

(2) Xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch nhiệm kỳ, hàng năm và hàng quý chi tiết, cụ thể hơn, gắn với chương trình hoạt động, đặc biệt là chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình giám sát của Quốc hội; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên trong Ban thường trực; đa dạng hóa hoạt động; chú trọng đến chất lượng kết quả đầu ra của các hoạt động và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên.

(3) Tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan; quan tâm đến việc vận động chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và những vấn đề Nhóm quan tâm; huy động và sử dụng tốt các nguồn lực.

 (4) Phối  hợp chặt chẽ với Ủy ban về các vấn đề xã hội trong các nội dung về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, hoạt động nâng cao kỹ năng của nữ đại biểu Quốc hội và công tác xã hội.

(5) Xây dựng mối quan hệ hợp tác với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đồng thời, tăng cường các hoạt động phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nâng cao kỹ năng hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội trong từng lĩnh vực, giúp nữ đại biểu  thực hiện tốt hơn vai trò đại diện của mình.

(6) Thu hút sự tham gia tích cực và tiếng nói ủng hộ của các nam đại biểu Quốc hội đối với vấn đề  bình đẳng giới và các hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội; mở rộng sự tham gia của nữ đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc triển khai các hoạt động.

(7) Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế góp phần quan trọng trong việc chia sẻ cập nhật thông tin, kinh nghiệm quốc tế về những vấn đề quan tâm của Nhóm, nâng cao ky năng, hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu, đồng thời giới thiệu hình ảnh của Việt Nam và vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam.

 (8) Việc thông tin, tuyên truyền, cập nhật thông tin các hoạt động của Nhóm, đặc biệt là trên trang thông tin điện tử của Nhóm và có cơ chế trao đổi thông tin về kết quả các hoạt động của Nhóm, sự tham gia của các thành viên trong Nhóm cần được quan tâm thích đáng. Mỗi thành viên trong Nhóm có trách nhiệm trong việc trong việc xây dựng hình ảnh của nữ đại biểu nói chung và trong việc tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tại các diễn đàn của Quốc hội cũng như trong tiếp xúc với các cơ quan truyền thông.

10. Kiến nghị

Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của Nhóm nữ nghị sĩ khóa XII và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII, Nhóm  kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Đồng thời, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII kiến nghị đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV quan tâm đến các vấn đề sau:

 (1) Tăng cường vai trò của Ban thường trực Nhóm và các thành viên Nhóm trong các hoạt động như: bình đẳng giới; vận động chính sách; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, trong hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội (mà thành viên Ban thường trực Nhóm tham gia); tham gia các diễn đàn quốc tế của nữ đại biểu Quốc hội, công tác xã hội...

(2) Xây dựng nội dung, chương trình kế hoạch nhiệm kỳ, hàng năm và hàng quý chi tiết, cụ thể hơn, gắn với chương trình hoạt động của Quốc hội; phân công trách nhiệm cụ thể, các thành viên trong Ban thường trực; phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên trong Ban thường trực và các thành viên trong Nhóm.

(3) Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, kết nối giữa Ban thường trực và các thành viên trong Nhóm; chia sẻ các báo cáo, các thông tin của Nhóm, kết quả của các hoạt động trong đó có hoạt động đối ngoại.

(4) Mỗi kỳ họp Quốc hội nên tổ chức ít nhất một hoạt động chung của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội.

 (5) Phân chia và tổ chức các hoạt động theo khu vực địa lý, tăng cường tính chủ động, tích cực của thành viên Ban thường trực Nhóm tại các khu vực trong việc tổ chức các hoạt động của Nhóm, kết nối các thành viên trong Nhóm kết hợp với việc tổ chức các hoạt động theo nhóm chuyên đề, nhóm lĩnh vực phát huy sở trường và huy động sự tham gia tích cực của các thành viên trong Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và mỗi nhóm này sẽ làm nòng cốt trong các hoạt động của Nhóm về các nội dung có liên quan và trên diễn đàn Quốc hội.

(6)  Hình thành mạng lưới chuyên gia để phát huy hơn nữa vai trò của các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều khóa Quốc hội, có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, có chuyên môn trong từng lĩnh vực... đặc biệt là các đại biểu nữ; thu hút sự tham gia của nam đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Nhóm và các hoạt động bình đẳng giới.

(7) Trong các nội dung hoạt động, quan tâm hơn:

- Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, biện pháp thiết thực nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị.

- Chất lượng đồng thời tăng số lượng văn bản quy phạm pháp luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới thuộc các lĩnh vực khác nhau.

- Đối với các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách về giới, hướng đến bình đẳng thực chất như: vấn đề tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, công tác quy hoạch cán bộ nữ, lãnh đạo nữ và tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị, hướng đến mục tiêu đạt 35% nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ XV, vấn đề lồng ghép giới trong các đạo luật trình ra Quốc hội, trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình. Biến đổi  khí hậu, vấn đề nguồn nước...

- Tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là vấn đề ngân sách giới.

(8) Tiến hành khảo sát, đánh giá nhanh về những khó khăn của nữ đại biểu khi tham gia Quốc hội, nhu cầu được hỗ trợ, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng hoạt động đại biểu. Quan tâm việc cung cấp các kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, phát biểu, tiếp xúc cử tri, tham gia công tác xây dựng pháp luật, kỹ năng giám sát, quan hệ báo chí, xây dựng hình ảnh của nữ đại biểu Quốc hội,... Tăng cường hoạt động bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động đối với các lĩnh vực mà sự tham gia của nữ đại biểu Quốc hội còn hạn chế như lĩnh vực tài chính – ngân sách, tư pháp.

(9) Cần tuyên truyền, nhân rộng mô hình tổ chức và hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân.

*

*     *

Trên đây là Báo cáo kết quả hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, xin báo cáo các thành viên Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam./.

 

 

TM. NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Nguyễn Thúy Anh

 

 


[1] Báo cáo số 3700/BC-UBVĐXH13 ngày 12/3/2015 của Ủy ban về các vấn đề xã hội

[2] Vận động các cá nhân, đơn vị ủng hộ hoạt động thăm và tặng quà ngày 27/7/2012 của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam với tổng số tiền là 234.000.000 đ.

 

 

Các bài viết khác