Báo cáo hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội năm 2015 và dự kiến hoạt động đến hết nhiệm kỳ khóa XIII

01/03/2016

Báo cáo của Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam về hoạt động của Nhóm năm 2015 và dự kiến hoạt động đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã tiếp thu ý kiến Ban thường trực và được thông qua tại phiên họp ngày 03 tháng 11 năm 2015.

QUỐC HỘI KHÓA XIII

NHÓM NỮ ĐBQH VIỆT NAM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 06 tháng 11  năm 2015

  

 

BÁO CÁO

hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội năm 2015 

và dự kiến hoạt động đến hết nhiệm kỳ khóa XIII
 

Kính gửi: Các thành viên Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam,

Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam xin báo cáo hoạt động của Nhóm năm 2015 và dự kiến hoạt động đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã tiếp thu ý kiến Ban thường trực và được thông qua tại phiên họp ngày 03 tháng 11 năm 2015.

I. HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM NĂM 2015 (ĐẾN THÁNG 11/2015)

1. Công tác tổ chức, thông tin, truyền thông

- Giới thiệu hoạt động Nhóm trong hoạt động của Đại hội đồng IPU - 132.

- Tiếp tục tuyên truyền về Nhóm trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, hội nghị quốc tế, hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội, trên trang thông tin điện tử của Nhóm và các hoạt động khác.

- Tăng cường phối hợp với kênh truyền hình Quốc hội trong việc đưa tin các hoạt động của Nhóm.

- Chuẩn bị báo cáo tổng kết hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

2. Hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nâng cao kỹ năng

- Phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức một số hội thảo, tọa đàm chuyên gia:

+ Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) (TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/3/2015).

+ Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)” (TP. Huế, ngày 18/4/2015).

+ Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” (TP. Hà Nội, ngày 20/4/2015).

+ Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)” (Đồ Sơn, Hải Phòng, ngày 10-11/8/2015).

+ Hội thảo khu vực phía Nam “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)” (TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/8/2015).

+ Hội thảo “CEDAW và dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)” (TP. Hà Nội, ngày 15/9/2015).

+ Các tọa đàm chuyên gia về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong một số dự án[1] trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, thứ mười; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2014.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất tại các hội thảo và tọa đàm, hiện nay, một số dự án luật Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ mười đã được nghiên cứu, bổ sung quy định về bình đẳng giới[2].

- Cử thành viên tham gia hoạt động giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội về việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương (Hải Dương và Hưng Yên).

3. Hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

- Báo cáo kết quả 5 hội thảo về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nhiệm kỳ 2016-2021 (do Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức cuối năm 2014) và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội về nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng và tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị nói chung cho nhiệm kỳ 2016-2021. Việc Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định về bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ (Điều 8) và bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là phụ nữ (Điều 9) có sự tham gia tích cực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và các thành viên.

- Tham gia đóng góp ý kiến vào Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dưới góc độ bình đẳng giới.

- Ban thường trực Nhóm tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị do Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam… tổ chức.

4. Công tác đối ngoại

- Với tư cách là nước chủ nhà của Đại hội đồng IPU-132 Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm trong việc tổ chức các hoạt động của Đại hội đồng IPU-132, trong đó có sự tham gia chuẩn bị, tổ chức[3], thảo luận tích cực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng, Hội nghị nữ nghị sĩ[4], Lễ kỷ niệm 30 năm cơ chế hội nghị nữ nghị sĩ IPU và 20 năm Cương lĩnh và Chương trình hành động Bắc Kinh[5], các phiên họp Ủy ban, các hội nghị có liên quan và trong việc lồng ghép giới trong các dự thảo nghị quyết.

- Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tổ chức cuộc gặp mặt nữ lãnh đạo và đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (có sự tham dự của đại diện Quốc hội Lào, Nghị viện Campuchia) nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ, tiến tới Đại hội đồng IPU-132 (TP. Hà Nội ngày 14/3/2015).

- Thành viên Nhóm tham gia đoàn của Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 4 và thăm chính thức Hoa Kỳ[6]; Cuộc họp mạng lưới nữ nghị sĩ Pháp ngữ tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) lần thứ 41 (Berne, Thụy Sỹ)[7]; Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) tại  Đại hội đồng AIPA-36 (Kualar Lumpur, Malaixia)[8]; Hội nghị nữ nghị sĩ tại Đại hội đồng IPU-133 (Genève, Thụy Sỹ)[9].

5. Công tác khác

- Phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc gặp nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10/2015).

- Tham gia các hoạt động thăm hỏi, chúc Tết các gia đình người có công với Cách mạng và đối tượng chính sách nhân dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015; thăm một số cơ sở y tế nhân dịp Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2; thăm gia đình người có công với Cách mạng và đối tượng chính sách nhân dịp Ngày thương binh, liệt sỹ 27/7.

- Tham gia Đoàn công tác thăm và làm việc tại Trường Sa (ngày 16-25/4/2015).

- Ban thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức đoàn khảo sát về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ngày 21-22/8/2015).

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bệnh viện phụ sản trung ương tổ chức khám sức khỏe cho nữ đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ chín của Quốc hội.

II. DỰ KIẾN HOẠT ĐỘNG TỪ SAU KỲ HỌP THỨ 10 ĐẾN HẾT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIII

1. Hoạt động chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021

- Phối hợp với Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức 6 Hội nghị khu vực “Nữ ứng cử viên và thúc đẩy bình đẳng giới” để tập huấn cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Tiếp tục kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, việc đảm bảo tỷ lệ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân…

- Tham gia tuyên truyền về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tại các diễn đàn của Quốc hội cũng như trong tiếp xúc với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình...; trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nữ ứng cử viên ở địa phương mình.

- Phối hợp với Ban công tác đại biểu tổ chức hoạt động tập huấn cho nữ đại biểu Quốc hội mới trước khi vào kỳ họp thứ nhất.

2. Hoạt động về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

- Phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức một số tọa đàm chuyên gia về lồng ghép giới trong một số dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ mười một; về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; về văn bản hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các nội dung liên quan đến lồng ghép giới.

- Tham gia với Ủy ban về các vấn đề xã hội giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương.

3. Tổng kết hoạt động của Nhóm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

- Tổ chức cuộc họp để tổng kết hoạt động của Ban Thường trực Nhóm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh, tháng 02/2016).

- Tổ chức phiên họp toàn thể Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam để tổng kết hoạt động của Nhóm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

4. Công tác đối ngoại

- Tham gia chuẩn bị nội dung của các Hội nghị nữ nghị sĩ và các nội dung có liên quan tại Đại hội đồng IPU-134.

- Cử nữ đại biểu Quốc hội tham gia diễn đàn quốc tế về vấn đề giới, bình đẳng giới hoặc về hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội (khi được mời).

- Tiếp các đoàn nữ nghị sĩ, nghị sĩ nước ngoài và các tổ chức, cá nhân quốc tế hoạt động về bình đẳng giới khi được yêu cầu.

- Phối hợp tổ chức gặp mặt nữ đại sứ, trưởng cơ quan đại diện các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế  nhân dịp quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 năm 2016 theo sự phân công của Lãnh đạo (nếu có).

- Giữ mối liên hệ, phối hợp với UNWOMEN, UNDP, UNFPA, các tổ chức quốc tế, dự án hợp tác quốc tế có liên quan về các hoạt động bình đẳng giới.

5. Công tác khác

- Tổ chức cuộc họp Ban thường trực Nhóm tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bệnh viện phụ sản trung ương tổ chức khám sức khỏe cho nữ đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.

- Tổ chức hoạt động nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (12/2015-01/2016).

Trên đây là Báo cáo hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam năm 2015 và dự kiến hoạt động đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, xin báo cáo các thành viên Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam./.

 

 

 

TM. NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Nguyễn Thúy Anh

 

[1] Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi),  Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật thống kê (sửa đổi), Luật tạm giữ, tạm giam, Luật khí tượng thủy văn, Luật dược (sửa đổi), Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin.

[2] Một số dự án luật thông qua tại kỳ họp thứ chín: Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật an toàn, vệ sinh lao động… Một số dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ mười đã được xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật thống kê (sửa đổi), Luật tạm giữ, tạm giam… (Xem các Công văn số 3892/UBVĐXH13 ngày 19/5/2015 và số 4330/UBVĐXH13 ngày 19/10/2015 gửi thành viên Nhóm nữ đại biểu Quốc hội về việc cung cấp thông tin lồng ghép bình đẳng giới trong một số dự án luật).

[3] PCTQH Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban tổ chức IPU-132, Trưởng Đoàn Việt Nam tại IPU-132; bà Trương Thị Mai, thành viên Ban tổ chức.

[4] PCTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ, bà Trương Thị Mai, Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị nữ nghị sĩ.

[5] PCTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội nghị nữ nghị sĩ đọc diễn văn kỷ niệm, PCTN Nguyễn Thị Doan phát biểu chào mừng.

[6] Bà Trương Thị Mai.

[7] Bà Nguyễn Thúy Anh  (ĐBQH tỉnh Phú Thọ);

[8] Bà Nguyễn Thúy Anh (ĐBQH tỉnh Phú Thọ), bà Đinh Thị Phương Lan (ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi), bà Đỗ Thị Thu Hằng (ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

[9] Bà Nguyễn Thanh Hải (ĐBQH tỉnh Hòa Bình).

 

Các bài viết khác