Phát biểu khai mạc của Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội tại Hội thảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) (Thành phố Huế, ngày 18 tháng 4 năm 2015)

18/04/2015

PHÁT BIỂU KHAI MẠC

 

                            Bà Trương Thị Mai

  Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

 Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam

 

          Kính thưa các vị khách quý,

         Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Trước tiên, thay mặt Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian đến tham dự Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)” được tổ chức tại thành phố Huế ngày hôm nay.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với Tổ chức phụ nữ của Liên hợp quốc (UN Women).

 

Kính thưa các vị đại biểu,

Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định Luật bình đẳng giới, ngày càng có nhiều dự án luật được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt, đối với những dự án luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, công đoạn này là không thể thiếu trong quá trình xây dựng dự án luật. Tuy nhiên, trên thực tế công việc này còn gặp khó khăn vì thiếu nguồn thông tin, dữ liệu để có cơ sở xác định vấn đề giới, phân tích, đánh giá tác động giới trong dự thảo Luật. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra cũng gặp khó khăn trong việc huy động chuyên gia có kỹ năng phân tích giới, kỹ năng lồng ghép giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật.

Để triển khai thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật theo một quy trình chung thống nhất theo yêu cầu của Luật bình đẳng giới, ngày 13/8/2014 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTP quy định việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng được ban hành đồng thời với mục đích làm tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho những người tham gia trực tiếp vào quá trình này. Đối với Quốc hội, Điều 47 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề xã hội thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến bình đẳng giới.

Kính thưa các vị đại biểu,

Việt Nam đang trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống pháp luật định hướng tới 2020, trong đó quan trọng nhất là việc hoàn thiện thể chế để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Hiến pháp năm 2013 cũng đặt ra những yêu cầu mới trong việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta. Cụ thể hóa nội dung tinh thần của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng quyền dân sự, góp phần xây dựng các quan hệ dân sự theo nguyên tắc bình đẳng, bảo đảm tốt hơn quyền tự do thể hiện ý chí, sự an toàn pháp lý, sự ổn định của các giao dịch, quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ dân sự… dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân và vào kỳ họp thứ 9 sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận để hoàn thiện dự án Bộ luật.

 

Kính thưa các vị đại biểu,

Trong hệ thống pháp luật của mọi quốc gia pháp luật dân sự là nền tảng, cốt lõi quy định những vấn đề cơ bản, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống dân sự… Cùng với quá trình phát triển của xã hội, các quan hệ dân sự cũng luôn thay đổi không ngừng. Với vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật tư Bộ luật dân sự cần bảo đảm tính ổn định của các giao dịch dân sự, nhằm tạo môi trường pháp lý tốt hơn trong việc trợ giúp cá nhân thực hiện, bảo vệ quyền dân sự của mình, hạn chế rủi ro pháp lý trong các quan hệ dân sự...

Bộ luật dân sự hiện hành qua hơn 8 năm thực hiện đã phát huy được vai trò to lớn trong việc tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhất là trước sự phát triển toàn diện của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Bộ luật dân sự năm 2005 đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu mới của các quan hệ mang yếu tố dân sự, nhất là các vấn đề về quyền nhân thân, chế độ đại diện, quyền thừa kế và sở hữu… Là luật cốt lõi điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự có tác động trực tiếp đến nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế và có nhiều nội dung cần được phân tích kỹ dưới góc độ giới như quyền nhân thân, quyền tài sản, chế định thừa kế, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài... Do đó, việc xem xét lồng ghép yếu tố giới trong dự án này là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em, cũng như các nhóm đối tượng yếu thế khác.

Qua rà soát cho thấy pháp luật dân sự hiện nay mới chỉ quy định đối tượng nhóm yếu thế là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên... mà chưa tính đến hoặc chưa có quy định bảo vệ nhóm người tuy chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự nhưng “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” như một số người già bị bệnh đãng trí (số này đang ngày càng tăng do xu hướng già hóa dân số)… Chính vì vậy, sửa đổi Bộ luật dân sự lần này đang theo hướng tiếp cận để bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của nhóm yếu thế này. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố văn hóa, tập quán… hay nói cách khác, văn hóa truyền thống là môi trường của pháp luật dân sự. Làm sao để vượt qua những rào cản của định kiến giới sẵn có trong môi trường này cũng là một thách thức không nhỏ đối với các nhà làm luật.

Việc bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trong Bộ luật dân sự càng đặc biệt quan trọng vì đây là đạo luật có vai trò đặt ra những nguyên tắc cơ bản làm khung nền cho các luật chuyên ngành khác về hôn nhân và gia đình, hộ tịch,  lao động, kinh doanh, thương mại... điều chỉnh quan hệ trong các lĩnh vực dân sự cụ thể.

Ủy ban mong muốn đóng góp xây dựng một Bộ luật vừa bảo đảm ghi nhận một cách nhất quán nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, song đồng thời tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, quyền, lợi ích chính đáng của bên yếu thế, bảo đảm bình đẳng giới thực chất.

Sau khi nghe báo cáo tổng quan của cơ quan soạn thảo và nghiên cứu của các chuyên gia chúng ta sẽ thảo luận nhằm làm rõ hơn những vấn đề giới còn tồn tại, góp ý cho các giải pháp pháp lý phù hợp với thực tiễn bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Chúng tôi hy vọng Hội thảo sẽ cung cấp cho đại biểu những thông tin bổ ích và kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng góp phần giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội xem xét, tiếp thu hoàn thiện dự án Bộ luật này trước khi trình ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp sắp tới.

Xin cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan và các chuyên gia, cảm ơn Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc đã hỗ trợ chúng tôi tổ chức Hội thảo này. Các hoạt động hợp tác giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc trong thời gian qua đã góp phần giúp hoạt động lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam ngày càng hiệu quả.

Chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Các bài viết khác