Bình luận dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Comments to the Vietnam draft Civil Code - AE 3 February 2015_translated...)

18/04/2015

Bình luận dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi[1]

 

Bình luận chung: trong toàn bộ Bộ luật Dân sự, khi nhắc đến “cá nhân”, đề nghị viết cụ thể “cá nhân nam hoặc nữ”

Điều 2 – Áp dụng tập quán (Điều 11 dự thảo mới)

Đề nghị quy định Điều này rõ hơn vì câu đầu tiên hiện còn mơ hồ khi quy định “có thể áp dụng tập quán”.

 

Cần quy định rõ tập quán nào sẽ được áp dụng và áp dụng như thế nào. Liên quan đến “thoả thuận giữa các bên” mà dự thảo đề cập, có quan ngại rằng phụ nữ dân tộc thiểu số, những người thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, có thể không nhận thức được quyền này của mình và quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam; có thể họ cũng không biết rằng họ có khả năng thoả thuận với bên kia. Do vậy, đề nghị thêm một quy định về việc tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức/giáo dục pháp luật cho người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về việc áp dụng các điều khoản của Bộ luật Dân sự, đặc biệt là việc thoả thuận với phía bên kia, cũng như việc Điều 2 (Điều 6) mang lại cho họ những lựa chọn khác nhau, và rằng có thể áp dụng tập quán, nhưng họ cũng có thể áp dụng quy định của Bộ luật.

 

Hướng dẫn của LHQ về ban hành pháp luật liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ (2010) cũng đưa ra Khuyến nghị số 3.1.5 (tr.16) về quan hệ giữa thông luật và/hoặc luật tôn giáo với hệ thống pháp lý chính thức như sau:

“Luật cần quy định:

·         khi có mâu thuẫn giữa thông luật và/hoặc luật tôn giáo với hệ thống pháp lý chính thức, vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở tôn trọng quyền con người của nạn nhân và tuân thủ các tiêu chuẩn về bình đẳng giới; và

·         Việc giải quyết một trường hợp theo thông luật và/hoặc luật tôn giáo không loại trừ việc nó được đưa ra xét xử trong hệ thống pháp lý chính thức.”

Liên quan đến tập quán và truyền thống, Điều 2 (f) của Công ước CEDAW (1979) quy định: “Các nước tham gia Công ước […] áp dụng mọi biện pháp thích hợp, kể cả những biện pháp pháp luật, nhằm sửa đổi hoặc xóa bỏ mọi điều khoản, quy định, tập quán và thực tiễn hiện đang tồn tại mang tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ.”

 

Điều 5 của Công ước CEDAW quy định như sau:

 

“Các nước tham gia Công ước phải áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm:

(a) Sửa đổi khuôn mẫu văn hoá, xã hội về hành vi của nam giới và nữ giới nhằm xoá bỏ các thành kiến, phong tục tập quán và các thói quen khác dựa trên tư tưởng cho giới này là hơn, giới kia là kém, hoặc dựa trên những kiểu mẫu rập khuôn về vai trò của nam giới và phụ nữ.”

 

 Điều 3 – Áp dụng quy định tương tự của pháp luật (Điều 12)

Đề nghị đưa ra ví dụ về “quy định tương tự của pháp luật” quy định tại Điều này.

Điều 7 – Nguyên tắc bình đẳng (Điều 3)

Đề nghị nêu rõ nguyên tắc không phân biệt đối xử, bên cạnh nguyên tắc bình đẳng nêu trong tiêu đề của Điều này.

Luật Bình đẳng giới Việt Nam năm 2006 có quy định như vậy tại Điều 4 và Điều 5. Điều 4 nêu cụ thể các mục tiêu bình đẳng giới và nguyên tắc “bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.” Điều 5 (khoản 5) giải thích phân biệt đối xử về giới là “việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Hướng dẫn của LHQ về ban hành pháp luật liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ cũng đưa ra khuyến nghị về định nghĩa phân biệt đối xử có thể được áp dụng trong dự thảo Bộ luật Dân sự. Khuyến nghị số 3.1.1 (tr.13), điểm 2 về phân biệt đối xử, như sau:

“Luật pháp cần:

Định nghĩa phân biệt đối xử với phụ nữ là mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc hạn chế trên cơ sở giới mà gây ra tác động hoặc có mục đích cản trở hoặc vô hiệu hoá sự thừa nhận, thụ hưởng hoặc thực hiện các quyền con người và quyền tự do cơ bản trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác của phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ, trên cơ sở bình đẳng giữa nam và nữ.”

 

Điều 2 của Công ước CEDAW cũng quy định: “Các nước tham gia Công ước (d) Không tiến hành bất kỳ hành động hoặc hoạt động nào có tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ và bảo đảm rằng các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước sẽ hành động phù hợp với nghĩa vụ này.”

 

Hơn nữa, Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESRC) (1966) kêu gọi các quốc gia thành viên  “cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị  khác.”

 

Điều 9. Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp (Điều 6)

 

Đề nghị giải thích ý nghĩa của cum từ “truyền thống tốt đẹp của các dân tộc”. Cần nói rõ quy định “Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình” sẽ được áp dụng khi nào và như thế nào. Đề nghị dẫn chiếu tới Điều 7 (khoản 5) của Luật Bình đẳng giới năm 2006, trong đó quy định Nhà nước ban hành chính sách về bình đẳng giới nhằm “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.”

 

Đồng thời, đề nghị dẫn chiếu đến Điều 17 (khoản 3) của Luật Bình đẳng giới năm 2006, trong đó quy định “Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.”

 

Điều 12 – Nguyên tắc hoà giải (Điều 9)

 

Đề nghị nêu rõ hơn nguyên tắc này, đặc biệt là về việc áp dụng hệ thống pháp lý không chính thức, ví dụ như Tổ hoà giải cấp thôn. Đề nghị giải thích những trường hợp/vấn đề pháp lý sẽ áp dụng biện pháp hoà giải, cơ quan nào chịu trách nhiệm, tập quán nào được áp dụng, và dẫn chiếu đến luật liên quan trong lĩnh vực hoà giải ở Việt Nam.

 

Đề nghị dẫn chiếu cụ thể đến Điều 2 (f) của Công ước CEDAW, trong đó quy định: “Các nước tham gia Công ước […] áp dụng mọi biện pháp thích hợp, kể cả những biện pháp pháp luật, nhằm sửa đổi hoặc xóa bỏ mọi điều khoản, quy định, tập quán và thực tiễn hiện đang tồn tại mang tính chất phân biệt đối xử với phụ nữ.”

 

Điều 13 – Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân (Điều 21)

 

Khoản 1: Đề nghị thêm vào đoạn cuối cụm từ “như thoả thuận với một bên khác.”

 

Đề nghị bổ sung quy định “Mọi cá nhân nam hoặc nữ có năng lực pháp luật dân sự không thể phản đối sự thiếu năng lực của người mà anh ta/cô ta cùng thoả thuận hoặc tiến hành hành vi pháp luật (tham khảo Điều 1125 Bộ luật Dân sự Pháp).

Suggest adding a provision stating that “Any individual man or woman who has legal capacity cannot oppose the incapacity of those with whom he/she has concluded a contract/legal act” (cf. Article 1125 French Civil Code).

 

Điều 18 – Người chưa thành niên (Điều 26)

Đề nghị bổ sung quy định về lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên/trẻ em vì dự thảo chưa có quy định này. Đây là một quy định tốt, bao gồm cả người chưa thành niên không còn cha mẹ? (tham khảo Điều 1124 Bộ luật Dân sự Pháp)

Suggest adding a provision on the best interest of the minor/child, since it is missing.  Good provision, includes non-emancipated minors (cf. French Civil Code Article 1124 for instance).

Điều 23 – Quyền về họ, tên (Điều 31)

Đề nghị thay từ “cá nhân” bằng cụm từ “mọi người thuộc một trong hai giới tính.”

Điều 23, khoản 2. (Điều 31, khoản 2)

“theo tập quán”: trong trường hợp một phụ nữ dân tộc thiểu số không biết rằng mình có quyền thoả thuận với chồng về họ của con thì khi áp dụng tập quán, nhiều khả năng đứa trẻ sẽ mang họ bố vì chế độ trọng nam trong cộng đồng thường phổ biến hơn. Do vậy, đề nghị bổ sung một câu liên quan đến người dân tộc thiểu số để đảm bảo rằng họ không bắt buộc phải theo tập quán.

Điều 23, khoản 4 (Điều 32)

Đề nghị thay từ “cha đẻ” bằng cụm từ  “cha đẻ hoặc mẹ đẻ.”

Điều 23, khoản 5 (Điều 32)

Đề nghị bổ sung vào cuối câu “và cần được thực hiện trên cơ sở lợi ích tốt nhất của đứa trẻ.”

Điều 24, khoản 2 – Quyền xác định dân tộc (Điều 33)

Câu thứ hai: Có quan ngại rằng phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa có thể thiếu hiểu biết về luật, cụ thể là điều khoản này của Bộ luật Dân sự, và có thể không biết rằng họ được lựa chọn thoả thuận với chồng hoặc áp dụng tập quán. Do vậy, đề nghị bổ sung một quy định về việc tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức/giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về vấn đề này.

Điều 24, khoản 5 (Điều 33)

Đề nghị bổ sung vào cuối câu “và việc xác định lại dân tộc cần được tiến hành dựa trên lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên đó.”

Điều 25, khoản 3 – Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 34)

Phần cuối của câu: đề nghị quy định chỉ cần một loại giấy nếu trẻ sinh ra mà chết ngay sau khi sinh, và giấy này sẽ ghi rõ rằng trẻ đã được sinh ra và chết ngay sau khi sinh.

Điều 26 – Quyền đối với quốc tịch (Điều 35)

Để làm rõ, đề nghị dẫn chiếu cụ thể đến việc áp dụng luật quốc tịch ở Việt Nam. Đề nghị dẫn chiếu đến quy định về kết hôn/ly hôn khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Đề nghị dẫn chiếu cả đến quyền của người dân tộc thiểu số liên quan đến quốc tịch vì vấn đề này chưa được đề cập – nếu dẫn chiếu đến luật quốc tịch hiện hành thì đề nghị dẫn chiếu (các) quy định cụ thể.

Điều 27, khoản 2 – Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 36, khoản 2)

Ở phần cuối câu, đề nghị viết “cha mẹ” thay vì “cha, mẹ” để bao gồm cả cha và mẹ. Đề nghị quy định rõ hơn vấn đề này, cụ thể là lấy ví dụ từ Bộ luật Dân sự Pháp, Chương 1 – Nhân thân, Phần 1 – Các quyền dân sự, Điều 9, quyền đối với hình ảnh/quyền riêng tư, trong đó quy định như sau: “Mọi cá nhân, nam hay nữ, có quyền được bảo vệ đời sống cá nhân của mình. Thẩm phán có quyền, không ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại, ra lệnh áp dụng mọi biện pháp như tịch thu, tạm giữ và các biện pháp khác có thể ngăn chặn hoặc chấm dứt sự xâm phạm quyền riêng tư: các biện pháp này, nếu cấp bách, có thể được đưa ra tại toà.”

Điều 28, khoản 3 – Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 37, khoản 3)

Đềnghị viết là “cha mẹ”, thay vì “cha, mẹ” như ở điều trên. Đề nghị quy định rõ hơn về vấn đề này, cụ thể là dẫn chiếu đến Điều 17 Luật Bình đẳng giới 2006; đề nghị có quy định cụ thể liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số như trong Điều 17 (khoản 3) Luật Bình đẳng giới. Đề nghị quy định số ngày nghỉ chế độ của phụ nữ và nam giới để chăm sóc con mới sinh (trước và sau khi sinh), vì dự thảo chưa có quy định này; chế độ này được quy định tại Điều 18 (khoản 3) Luật Bình đẳng giới 2006; đề nghị quy định số tiền theo chế độ mà phụ nữ/nam giới được thanh toán. Đề nghị dẫn chiếu đến Điều 5 (b) và Điều 12 của Công ước CEDAW.

Đề nghị dẫn chiếu hoặc tham khảo Điều 12 của Công ước về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội về việc thụ hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Điều 28, khoản 4 (Điều 37, khoản 4)

Đề nghị viết là “cha mẹ” thay vì “cha, mẹ”, như ở các điều trên.

Điều 32, khoản 1 – Quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 36)

Đề nghị bổ sung ở đầu câu cụm từ “[Mọi] cá nhân, nam hoặc nữ, có quyền đối với”. Ví dụ Bộ luật Dân sự Pháp, Chương 1 – Nhân thân, Phần 1 – Các quyền dân sự, Điều 9 quy định như sau: Mọi cá nhân, nam hay nữ, có quyền được bảo vệ đời sống cá nhân của mình. Thẩm phán có quyền, không ảnh hưởng đến việc bồi thường thiệt hại, ra lệnh áp dụng mọi biện pháp như tịch thu, tạm giữ và các biện pháp khác có thể ngăn chặn hoặc chấm dứt sự xâm phạm quyền riêng tư: các biện pháp này, nếu cấp bách, có thể được đưa ra tại toà.”

Đề nghị bổ sung quy định về quyền được coi là không có tội; ví dụ Điều 9 Bộ luật Dân sự Pháp quy định như sau: “Mọi cá nhân, nam hoặc nữ, có quyền được coi là không có tội. Khi một người trước khi bị tuyên án mà bị đưa ra công khai như là có tội trong vụ việc đang được điều tra thì thẩm phán có thể, thậm chí là trong bản án tạm thời (quyết định mà thẩm phán đưa ra một mình trong tình huống khẩn cấp), ra lệnh thực hiện mọi biện pháp, như phát hành cải chính hoặc phát sóng một thông cáo báo chí để ngăn chặn thiệt hại đối với việc được coi là không có tội, trừng phạt cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm đối với các hành vi xâm phạm.”

Đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan tư pháp trong việc phát hiện/tìm ra sự thật – đề nghị tham khảo Điều 9 Bộ luật Dân sự Pháp về “nghĩa vụ của mọi cá nhân, nam hoặc nữ, trong việc hỗ trợ cơ quan tư pháp tìm ra sự thật. Một người trốn tránh nghĩa vụ này khi được pháp luật yêu cầu mà không có lý do chính đáng có thể bị buộc phải tôn trọng nghĩa vụ này, nếu cần thiết sẽ phải nộp phạt hoặc bị xử phạt dân sự.”

 

Điều 33 – Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 42)

 

Đề nghị bổ sung quy định về tuổi kết hôn tối thiểu đối với cả nam và nữ - nhằm ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cưỡng bức, vì vấn đề này vẫn tồn tại, đặc biệt là ở người dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định để phù hợp với Điều 16, khoản 2 của Công ước CEDAW: “Việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực pháp lý và phải tiến hành mọi hành động cần thiết, kể cả về mặt pháp luật nhằm quy định độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn chính thức.” Đề nghị dẫn chiếu cụ thể đến Điều 18 Luật Bình đẳng giới (2006), trong đó nên quy định rằng Điều này sẽ được áp dụng trực tiếp đối với Điều 33 (Điều 42) của Bộ luật Dân sự.

 

Đề nghị đề cập đến Điều 10 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, trong đó quy định như sau:

 

“Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận rằng:

1. Cần dành  sự  giúp đỡ và bảo hộ tới mức tối đa có thể được cho gia đình - tế  bào  cơ bản và tự nhiên của xã hội - nhất là đối với việc tạo lập gia đình và trong khi gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em đang sống lệ thuộc. Việc kết hôn phải được cặp vợ chồng tương lai chấp thuận tự do.

2. Cần dành sự bảo hộ đặc biệt cho các bà mẹ trong một khoảng thời gian thích đáng trước và sau khi sinh con. Trong khoảng thời gian đó, các bà mẹ cần được nghỉ có lương hoặc nghỉ với đầy đủ các phúc lợi an sinh xã hội.

3. Cần áp dụng những biện pháp bảo vệ và trợ giúp đặc biệt đối với mọi trẻ em và thanh thiếu niên mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì các lý do xuất thân hoặc các điều kiện khác. Trẻ em và thanh thiếu niên cần được bảo vệ để không bị bóc lột về kinh tế và xã hội. Việc thuê trẻ em và thanh thiếu niên làm các công việc có hại cho tinh thần, sức khoẻ hoặc nguy hiểm tới tính mạng, hay có hại tới sự phát triển bình thường của các em phải bị trừng trị theo pháp luật. Các quốc gia cần định ra những giới hạn về độ tuổi mà việc thuê lao động trẻ em dưới hạn tuổi đó phải bị pháp luật nghiêm cấm và trừng phạt.”

 

Đồng thời, đề nghị xem xét Điều 11 của Công ước trên về quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống.

 

Ngoài ra, cũng nên đề cập đến Bình luận chung số 19 (1990) về bảo vệ gia đình, quyền kết hôn và quyền bình đẳng của vợ chồng của Uỷ ban về Quyền con người, trong đó nhấn mạnh “trong hôn nhân, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong gia đình. Sự bình đẳng này áp dụng với mọi vấn đề phát sinh từ quan hệ của họ, như lựa chọn nơi cư trú, quản lý gia đình, giáo dục con cái và quản lý tài sản.”

 

Điều 35 – Quyền tự do đi lại và cư trú (Điều 45)

 

Đề nghị viết rõ hơn Điều này bằng cách dẫn chiếu cụ thể đến Điều 14, khoản 4 của Công ước CEDAW, trong đó quy định “Các nước tham gia Công ước phải dành cho nam giới và phụ nữ các quyền pháp lý như nhau trong việc di chuyển, tự do lựa chọn nơi cư trú và chỗ ở.”

 

Điều 36 – Quyền lao động (Điều 46)

 

Đề nghị quy định rõ hơn điều này, chẳng hạn bằng cách dẫn chiếu cụ thể đến Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006, quy định rằng Điều 13 Luật Bình đẳng giới sẽ được áp dụng trực tiếp cho Điều 36 Bộ luật Dân sự. Đồng thời cũng đề nghị tham khảo Điều 11 Công ước CEDAW.

 

Đề nghị tham khảo Công ước quốc tế số 100 năm 1951 về Trả công bình đẳng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (Việt Nam đã phê chuẩn công ước này ngày 7 tháng 10 năm 1997). Điều 1 của Công ước quy định: “(a) “trả công bao gồm tiền lương hoặc tiền đãi ngộ bình thường, cơ bản hoặc tối thiểu, và mọi thù lao khác, được trả trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật, do người sử dụng lao động trả cho người lao động và phát sinh từ việc làm của người này; (b) “trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau” là nói về các mức trả công được ấn định không phân biệt đối xử về giới tính.”

 

Đề nghị tham khảo Công ước số 111 năm 1958 của ILO về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 7 tháng 10 năm 1997). Điều 1 của Công ước định nghĩa phân biệt đối xử ở nơi làm việc như sau:

 “(a) Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, chính kiến, dòng dõi dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, có tác động triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử trong việc làm hoặc nghề nghiệp;

(b) Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi khác nhằm triệt bỏ hoặc làm phương hại sự bình đẳng về cơ may hoặc về đối xử mà Nước thành viên hữu quan sẽ có thể chỉ rõ sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và của người lao động, nếu có, và của các tổ chức thích hợp khác.

2. Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi thuộc một công việc nhất định và căn cứ trên những đòi hỏi vốn có của công việc đó thì sẽ không bị coi là phân biệt đối xử.

3. Trong Công ước này, những thuật ngữ “việc làm” và “nghề nghiệp” bao hàm cả việc được tiếp nhận đào tạo nghề, được tiếp nhận việc làm và các loại nghề nghiệp, và cả các điều kiện sử dụng lao động.”

Đề nghị dẫn chiếu cụ thể đến Điều 3 Công ước số 111 của ILO: “Mỗi nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này phải có các biện pháp thích ứng với hoàn cảnh và thực tiễn quốc gia để:

(a) tìm sự cộng tác với các tổ chức của người sử dungk lao động và của người lao động và các tổ chức thích hợp khác nhằm đẩy mạnh việc chấp nhận và áp dụng chính sách đó;

(b) ban hành các đạo luật và thúc đẩy các chương trình giáo dục có việc chấp nhận và áp dụng chính sách đó;

(c) huỷ bỏ mọi quy định pháp luật và sửa đổi mọi chỉ thị hoặc mọi thủ tục hành chính không phù hợp với chính sách đó;

(d) theo đuổi chính sách việc làm có sự điều tiết trực tiếp của cơ quan có thẩm quyền;

(e) bảo đảm việc tuân thủ chính sách đó trong các hoạt động của các tổ chức hướng nghiệp, đào tạo nghề và sắp xếp việc làm đặt dưới sự quản lý của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(f) trong báo cáo hàng năm của ình về việc áp dụng Công ước, chỉ rõ những biện pháp đã sử dụng theo chính sách đó có kết quả chung đã đạt được.”

Đề nghị tham khảo Công ước số 138 năm 1973 của ILO về Tuổi tối thiểu được đi làm việc (Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 24 tháng 6 năm 2003). Việt Nam quy định cụ thể tuổi tối thiểu được đi làm việc là 15 tuổi.

Đề nghị tham khảo Công ước số 182 năm 1999 của ILO về Nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (Việt Nam phê chuẩn Công ước này ngày 19 tháng 12 năm 2000).

Đồng thời, cũng đề nghị tham khảo Công ước số 29 năm 1930 của ILO về Lao động cưỡng bức (Việt nam phê chuẩn Công ước này ngày 5 tháng 3 năm 2007).

Đề nghị tham khảo Công ước số 156 năm 1981 của ILO về Bình đẳng cơ may và đối xử với lao động nam và nữ (Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này).

Ngoài ra, đề nghị tham khảo Điều 6 và Điều 7 Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, trong đó quy định liên quan đến quyền lao động như sau:

Điều 6.

1. Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này.

2. Các  quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện đảm bảo các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Điều 7.

Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt đảm bảo:

a. Thù lao cho tất cả mọi người làm công tối thiểu  phải đảm bảo:

(i) Tiền lương thoả đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được đảm bảo những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau;

(ii)  Một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các quy định của Công ước này.

b) Những điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh,

c) Cơ hội ngang nhau cho mọi người trong việc được đề bạt lên chức vụ thích hợp cao hơn, chỉ cần xét tới thâm niên và năng lực làm việc;

d) Sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, giới hạn hợp lý số giờ làm việc, những ngày nghỉ thường kỳ được hưởng lương cũng như thù lao cho những ngày nghỉ lễ.

Điều 8 và Điều 9 của Công ước trên cũng nói về quyền lao động (quyền được thành lập công đoàn, quyền được hưởng an sinh xã hội).

Điều 37 – Quyền tự do kinh doanh (Điều 47)

 

Đề nghị quy định rõ hơn, ví dụ như dẫn chiếu cụ thể đến Điều 12 Luật Bình đẳng giới năm 2006, quy định rằng Điều này sẽ được áp dụng trực tiếp cho Điều 37 (Điều 47) Bộ luật Dân sự. Đề nghị tham khảo Điều 13 Công ước CEDAW

 

Đề nghị tham khảo thêm Điều 3 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên “cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hoá mà Công ước này quy định.”

 

Quyền đối với giáo dục và đào tạo:

 

Có quan ngại rằng quyền này hiện chưa được quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định về vấn đề này trên cơ sở Điều 14 Luật Bình đẳng giới và Điều 5 (b) và Điều 10 của Công ước CEDAW. Đồng thời, đề nghị tham khảo Điều 371-1 của Bộ luật Dân sự Pháp, trong đó quy định: “Quyền của cha mẹ là một loạt quyền và nghĩa vụ mà mục đích là lợi ích của con. Quyền này thuộc về cha mẹ cho đến khi con trưởng thành nhằm bảo vệ con về an toàn, sức khoẻ và đạo đức, đảm bảo giáo dục và khuyến khích sự phát triển của con, phù hợp với cá tính của con. Cha mẹ hỏi ý kiến con về những quyết định liên quan đến con, tuỳ thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của con.”

 

Ngoài ra, đề nghị đề cập đến Điều 13 về Quyền được học tập của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

 

Điều 41 – Nơi cư trú của người chưa thành niên (Điều 53)

 

Đề nghị bổ sung ở cuối câu cụm từ sau: “ví dụ như trường hợp trẻ mồ côi.”

 

Điều 43 – Nơi cư trú của vợ, chồng (Điều 55)

 

Điều này phù hợp với Điều 15, khoản 4 của Công ước CEDAW.

 

Điều 46 – Giám hộ (Điều 58)

 

Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về lợi ích tốt nhất của trẻ em/người chưa thành niên. Đề nghị bổ sung quy định này trong Khoản 2, sau câu cuối cùng.

 

Điều 47, khoản 1 (a) – Người được giám hộ (Điều 59)

 

Đề nghị quy định điểm cuối rõ hơn “[cha, mẹ] không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó”, vì có thể có sự hiểu sai, nhất là trong trường hợp cha mẹ nghèo, nhằm bảo đảm rằng người chưa thành niên/trẻ em không bị tách khỏi cha mẹ mà không được sự đồng ý của họ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung thông tin liên quan đến điểm “[cha mẹ] bị Toà án hạn chế quyền” và bổ sung quy định cụ thể (tương tự như Điều 378-1 của Bộ luật Dân sự Pháp). Quy định này có thể viết như sau: “[…] bị Toà án hạn chế quyền do các hành vi như đối xử tệ, sử dụng thường xuyên và/hoặc lạm dụng rượu và thuốc (chất gây nghiện), lơ là (nhất là liên quan đến sức khoẻ của trẻ em), mà điều đó rõ ràng gây nguy hiểm đến an toàn, sức khoẻ và đạo đức của trẻ em.”

 

Điều 72 – Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích (Điều 84)

 

Đề nghị viết “cha mẹ” thay vì “cha, mẹ” để bao gồm cả cha và mẹ.

 

Điều 76, Khoản 4 – Huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết (Điều 88)

 

Đề nghị bổ sung quy định liên quan đến bạn đời/cặp đôi không kết hôn mà sống cùng nhau trước khi một trong hai người mất tích/bị tuyên bố mất tích và sau đó bị tuyên bố chết.

 

Điều 103, khoản 1 – Thành viên của hộ gia đình (Điều 119)

 

Đề nghị quy định cụ thể hộ gia đình bao gồm những ai, nghĩa là cặp đôi có kết hôn, cặp đôi không kết hôn, trẻ em, các thành viên gia đình khác, vì quy định như dự thảo hiện nay là chưa rõ.

 

Điều 104 – Tài sản chung của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (Điều 120)

 

Bình luận tương tự như Điều trên – thành viên của hộ gia đình cần được quy định trong Điều 103, nếu không thì trong Điều 104 sẽ không rõ các thành viên này là ai. Quy định rõ nhằm đảm bảo phụ nữ được bao gồm trong các thành viên của hộ gia đình.

 

Điều 105 - Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác (Điều 121)

 

Bình luận tương tự như Điều 104.

 

Điều 102-105 – liên quan đến tổ hợp tác (Điều 119-121)

 

Có quan ngại từ thực tế là các tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự và do đó, trong trường hợp tài sản chung, mọi thành viên sẽ phải chịu trách nhiệm chung. Điều này mang lại rủi ro cho phụ nữ khi họ tham gia làm việc cho tổ hợp tác vì họ có thể mất bảo hiểm việc làm, mất thu nhập, mất quyền lực kinh tế trong gia đình, và như vậy có nguy cơ bị lạm dụng ở nơi làm việc (quấy rối) và/hoặc ở nhà (mất thu nhập và quyền lực kinh tế sẽ khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước bạo lực).

 

Điều 2 (e) của Công ước CEDAW quy định “Các nước tham gia công ước (e) áp dụng mọi biện pháp thích hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp nào tiến hành.”

 

Điều 116 – Quyền tài sản (Điều 132)

 

Đề nghị nêu rõ (các) chế độ tài sản của vợ chồng mà Việt Nam áp dụng, như “tài sản riêng”, “tài sản chung một phần hoặc hạn chế”, hoặc “tài sản chung hoàn toàn”. Chẳng hạn, ở Đông Timor, Bộ luật Dân sự xác định các chế độ tài sản khác nhau và quy định rằng chế độ tài sản mà vợ chồng lựa chọn có thể được nêu trong một thoả thuận tiền hôn nhân không bắt buộc (Điều 1591). Nếu không có thoả thuận tiền hôn nhân thì chế độ tài sản mặc định là Tài sản Chung hình thành Sau Hôn nhân (Điều 1610), theo đó, tài sản chung được giới hạn ở tài sản mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân và là hoa lợi từ công việc của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 1617). Đối với tài sản chung, cả vợ và chồng có thể tiến hành các hành động quản lý thông thường một cách riêng rẽ; tuy nhiên, các quyết định lớn cần sự đồng ý của cả vợ và chồng. 

 

Nên lưu ý khuyến nghị chung số 21 của Uỷ ban CEDAW (1994) về bình đẳng trong các quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó nhấn mạnh rằng “quyền sở hữu, quản lý, thụ hưởng và sử dụng tài sản là trọng tâm với quyền phụ nữ được độc lập về tài chính và ở nhiều nước là hết sức quan trọng đối với khả năng kiếm sống, được có đầy đủ nơi ăn, chốn ở và dinh dưỡng cho bản thân và gia đình của người phụ nữ.”

 

Hơn nữa, Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, tại bình luận chung số 16 (2005) về quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ đối với việc thụ hưởng mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, đã khẳng định “phụ nữ có quyền sở hữu, sử dụng hoặc kiểm soát nhà, đất và tài sản trên cơ sở bình đẳng với nam giới, và có quyền tiếp cận các nguồn lực cần thiết để làm như vậy” (đoạn 28). Ngoài ra, Uỷ ban về quyền con người, tại bình luận chung số 28 (2000) về sự bình đẳng về quyền giữa nam giới và phụ nữ, cũng khẳng định “khả năng được sở hữu tài sản của phụ nữ […] không bị giới hạn trên cơ sở tình trạng hôn nhân hoặc bất kỳ cơ sở mang tính phân biệt đối xử nào” và các nước thành viên phải bảo đảm rằng “chế độ tài sản của vợ chồng quy định quyền và nghĩa vụ bình đẳng đối với cả vợ và chồng liên quan đến […] việc sở hữu hoặc quản lý tài sản, dù là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ hoặc chồng.”

 

Đề nghị bổ sung một quy định liên quan đến việc áp dụng tập quán, đặc biệt là ở người dân tộc thiểu số, vì dự thảo luật chưa có quy định này, cụ thể là tài sản trong hôn nhân thuộc về ai, điều gì xảy ra với tài sản đó trong trường hợp vợ chồng ly hôn, điều gì xảy ra nếu người phụ nữ giữ tài sản mà người đó có từ trước khi kết hôn.

Đề nghị nghiên cứu Tuyên ngôn của Liên Hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa (2007) trong đó nêu rõ Các dân tộc bản địa có quyền đối với những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên mà họ sở hữu, chiếm giữ, sử dụng hay có được từ trước. Các quốc gia phải công nhận và bảo vệ về mặt pháp lý đối với những đất đai, lãnh thổ và tài nguyên này. Sự công nhận đó phải được tiến hành với sự tôn trọng thích đáng đối với những phong tục tập quán, truyền thống và hệ thống chiếm hữu đất đai của các dân tộc bản địa liên quan (Điều 26). Tuyên ngôn cũng nêu rõ phụ nữ dân tộc thiểu số được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử và cần đặc biệt chú ý đến các quyền và nhu cầu đặc biệt của họ (Điều 21 và 22).

 

Một Công ước quốc tế khác cũng liên quan đến quyền sở hữu của người dân tộc thiểu số là Công ước số 169 của Tổ chức Lao động Quốc tế về các dân tộc thiểu số và bộ lạc ở các quốc gia độc lập. Công ước quy định rằng “quyền sở hữu và chiếm hữu của các dân tộc liên quan đối với đất đai mà họ chiếm giữ từ xa xưa sẽ được thừa nhận (Điều 14).” Ngoài ra, nguyên tắc “thoả thuận trước, tự do, trên cơ sở đầy đủ thông tin” (Điều 16)” quy định các cộng đồng người bản địa có quyền chấp thuận hoặc rút lại sự chấp thuận đối với bất kỳ dự án nào được đề xuất có thể ảnh hưởng đến đất đai mà họ sử dụng, sở hữu hoặc chiếm giữ theo tục lệ.

 

Đề nghị quy định Điều này rõ hơn, chẳng hạn như nêu ví dụ về người có thể là người đại diện cho thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Việc xác định rõ là rất quan trọng vì người chủ gia đình, dù là nam hoặc nữ, có thể là đại diện, như vậy sẽ cho phép phụ nữ đảm nhiệm vai trò này thay vì chỉ có nam giới đảm nhiệm (do chế độ trọng nam vẫn phổ biến).

Điều 188 – Quyền sở hữu  (Điều 208)

Đề nghị viết “anh ta/cô ta” khi nói đến “người sở hữu” thay vì “anh ta” như trong dự thảo quy định (có thể đây chỉ là vấn đề dịch thuật)

Điều 192 – Hình thức sở hữu (Điều 213)

Đây là một quy định tốt khi lấy từ Điều 53 của Hiến pháp Việt Nam.

Điều 211 – Sở hữu chung của vợ chồng (Điều 240)

Đề nghị nêu cụ thể các chế độ tài sản chung của vợ chồng ở Việt Nam để quy định này rõ ràng hơn, vì nó không được áp dụng trong mọi trường hợp mà phụ thuộc vào chế độ tài sản chung mà vợ chồng lựa chọn khi kết hôn – khoản 5 có nói về các chế độ tài sản chung của vợ chồng nhưng đề nghị quy định rõ các chế độ tài sản khác nhau được áp dụng.

Điều 212 – Sở hữu chung của các thành viên gia đình (Điều 239)

Đề nghị nêu rõ các thành viên gia đình gồm những ai để quy định này rõ ràng hơn và tránh hiểu nhầm. Khoản 3: Đề nghị nêu cụ thể “luật khác có liên quan” là những luật nào. Còn các tập quán được đề cập tại Điều 2 Bộ luật Dân sự thì sao? Chúng có được áp dụng ở đây hay không?

Điều 213 – Sở hữu chung của cộng đồng (Điều 238)

Đề nghị bổ sung một quy định cụ thể nêu rõ nam giới và phụ nữ trong một cộng đồng có quyền sở hữu chung, nhất là vì các cộng đồng thường theo truyền thống trọng nam, do đó nếu như luật không quy định cụ thể phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc sở hữu chung thì sở hữu chung thường chỉ do nam giới thụ hưởng và quản lý.

Điều 214- Chiếm hữu tài sản chung (Điều 243)

Nhận xét tương tự như đối với điều trên liên quan đến đoạn “trừ trường hợp có thoả thuận.”

Điều 615 – Hình thức của di chúc (Điều 650)

Đây là một điều khoản tốt vì đã có quy định liên quan đến người dân tộc thiểu số. Đề nghị thay từ người bằng “nam và nữ”

Điều 617 – Di chúc miệng (Điều 652)

Đề nghị bổ sung quy định rằng di chúc miệng này chỉ có giá trị khi được thực hiện trước sự chứng kiến của hai nhân chứng, và trong trường hợp đặc biệt thì trước sự chứng kiến của một nhân chứng

Thừa kế:

Dự thảo chưa có quy định liên quan đến việc áp dụng tập quán trong lĩnh vực thừa kế - do chế độ trọng nam vẫn phổ biến ở người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, việc không dẫn chiếu đến các tập quán có thể mang lại rủi ro cho phụ nữ dân tộc thiểu số vì họ có thể không được hưởng thừa kế theo tập quán. Điều 638, khoản 5 (Điều 673, khoản 5) quy định trong trường hợp di chúc được lập bằng tiếng dân tộc thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt, tuy nhiên đây là nội dung duy nhất liên quan đến người dân tộc thiểu số trong chương về thừa kế.

 


[1] Anne Eyrignoux, Cố vấn khu vực về nhân quyền của Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women).

 

Các bài viết khác