ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. 60 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG KHUÔN MẶT NỮ

MỤC LỤC

NGUYỄN THỊ THẬP (1908 - 1996)

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908 tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho ( này là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân chất phác.

Năm 1929, Bà giác ngộ Chủ nghĩa Mac - Lên nin và tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1931, thoát ly gia đình, lên Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) làm công tác liên lạc cho Đảng. Tháng 4 năm 1935, được bầu làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 5 năm 1935, Bà bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Trong tù, dù bị tra tấn nhưng Bà vẫn giữ vững lập trường cách mạng. Năm 1936, được ra tù và tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn.

Năm 1940, theo sự điều động của cấp trên, Bà trở về Long Hưng tham gia chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho. Tuy đang mang thai gần đến ngày sinh nở nhưng Bà vẫn hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, góp phần làm nên cuộc khởi nghĩa thắng lợi, làm tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa sau thắng lợi. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho thực dân Pháp khủng bố gắt gao, Bà phải lánh sang Bến Tre đế sinh con.

Sau khi sinh con được 8 ngày, nén nỗi đau mất chồng (ông Lê Văn Giác, tỉnh ủy viên Mỹ Tho bị địch sát hại trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ), Bà trở về Long Hưng cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho - tuy bị thực dân Pháp khủng bố gắt gao nhưng bà vẫn bám địa bàn, dựa vào quần chúng để gây dựng lại cơ sở cách mạng. Sau đó, được Đảng phân công làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở quần chúng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cuối năm 1944, Bà đến Sa đéc rồi về Mỹ Tho để cùng cán bộ địa phương xúc tiến việc thành lập Tỉnh ủy hai tỉnh này.

Tháng 4 năm 1945, Bà cùng ông Trần Văn Di, tổ chức Hội nghị để thành lập Xứ ủy Nam kỳ lâm thời tại xã Thạnh Phú (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), thường gọi là  Xứ ủy giải phóng (Xứ ủy có ra tờ báo “Giải phóng”). Được biết, trước đây ở Nam Bộ có một Xứ ủy khác được thành lập  từ tháng 10 năm 1043 ở Quận Chợ Gạo, gọi là Xứ ủy Tiền Phong do ông Trần Văn Giàu là Bí thư và có phát hành tờ báo lấy tên “Tiền phong”, với tinh thần đoàn kết của người chiến sỹ cộng sản chân chính, tháng 5 năm 1945, Bà liên lạc với ông Trần Văn Giàu để bàn việc thống nhất hai Xứ ủy nhằm tăng cường sức chiến đấu của Đảng và bà đã  hoàn thành xuất sắc công việc đó.

Đầu tháng 8 năm 1945, bà được cử đi dự đại hội Quốc dân họp ở khu căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang). Nhưng do đường sá khó khăn nên khi vừa đến được Hà Nội thì Đại hội đã kết thúc và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám cũng đã giành thắng lợi. Vì thế, Bà ở lại Thủ đô, làm việc với Trung ương Đảng và được Tổng bí thư Trung ương Đảng Trường Chinh giao trọng trách cùng phái viên của Trung ương tiến hành việc thống nhất Đảng bộ Nam Bộ. Đến cuối tháng 8 năm 1945, Bà về đến Mỹ Tho và bắt tay ngay vào việc thực hiện Chỉ thị của cấp trên. Trong cuộc bầu cử ngày 6/1/1946, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bà về Miền Nam với nhiệm vụ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là tiếp tục xây dựng và củng cố công tác xây dựng Đảng ở Nám bộ.

Năm 1947, thực hiện chủ trương của Đảng, Bà thành lập đoàn phụ nữ cứu quốc Nam bộ, sau là Hội liên hiệp Phụ nữ Nam bộ. Đây là tổ chức quy tụ và phát huy sức mạnh của hàng triệu phụ nữ Nam bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1953, Bà được Trung ương điều ra miền Bắc, sau đó khi Hiệp định Genever được ký kết (20/7/1954), bà được cử vào miền Nam để phổ biến Hiệp định đình chiến. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bà trở ra miền Bắc theo diện cán bộ miền Nam tập kết.

Năm 1955, Bà được bầu làm Hội trưởng rồi Chủ tịch Hội liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm trưởng ban Phụ vận trung ương. Bà đã cùng tập thể lãnh đạo của Trung ương Hội đề ra những chủ trương rất sáng tạo nhằm đẩy lên phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ cả nước trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Bên cạnh những chức vụ trên, bà còn là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến khóa IV (1951-1981), đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV, V, VI, Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI (1960-1980). Bất kỳ ở cương vị công tác nào bà cũng luôn thể hiện sự năng động, tính kiên quyết và sự quan tâm sâu sát đến phụ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ tham gia vào các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Năm 1985, bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Bà cũng được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi có chồng và 2 con hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà mất năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 88 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Thập, người phụ nữ quê hương Tiền Giang tuy không còn nữa, nhưng hình ảnh bà luôn sống mãi với người dân Tiền Giang, đặc biệt là với cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ trong cả nước và với nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam.

 

 

CHỦ BIÊN

NGUYỄN THỊ HOÀI THU